Bị lập biên bản lỗi chạy quá tốc độ, người vi phạm yêu cầu xem băng ghi hình thì được chỉ lên chỗ một người mặc thường phục đang núp trong lùm… để xem camera.
Công an hay dân thường núp lùm?
Theo phản ánh của anh N.H (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) khoảng 9 giờ 50 ngày 26.12, anh chạy xe gắn máy trên đường TL764 thì bị Tổ CSGT Công an huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) dừng phương tiện và báo lỗi vi phạm tốc độ cho phép.
Anh H. yêu cầu xem hình ảnh vi phạm, thì được một CSGT chỉ lên cách nơi xử lý vi phạm khoảng 800m để xem.
Người thanh niên núp trong lùm bắn tốc độ trước sự hoài nghi không phải là nhân viên công vụ của người dân? – Ảnh: trích ra từ clip
“Chạy tìm khắp ngoài đường không thấy, nhưng sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng tôi nhìn vào lùm cây cà phê và thấy có người mặc thường phục đang ngồi ở trong. Tôi được người này cho xem hình ảnh vi phạm. Nhưng khi thắc mắc liệu anh có phải CSGT hay không thì người này không trả lời. Tôi tiếp tục hỏi bắn tốc độ sao không đứng ngoài đường mà phải núp trong lùm cây nhưng người này cũng không trả lời”, anh H. cho hay.
VIDEO: Người vi phạm phát hiện một người mặc thường phục bắn tốc độ trong lùm cây
Khi thấy anh H. quay phim thì người này liền gom hết đồ đạc và lên xe máy biển số 38U1 – xxxx chạy về phía tổ công tác đang làm nhiệm vụ. Khi anh H. chạy đến nơi tổ công tác đang làm việc thì người bắn tốc độ không còn ở đó.
Kết quả, anh H. bị xử phạt vì vi phạm với tốc độ 63/50 km/giờ, bị giữ giấy tờ xe và hẹn ngày 4.1.2016 đến nộp phạt để lấy giấy tờ. Anh H. cho biết mức phạt được thông báo là 750 ngàn đồng. Anh H. cũng cho biết thêm đoạn đường bị bắn tốc độ rất vắng, gần lô cao su.
“Tôi chỉ thắc mắc là tại sao công an phải núp lùm? Người núp lùm là công an thì tại sao khi tôi hỏi anh ta không trả lời? Tôi vi phạm thì sẵn sàng đóng phạt nhưng CSGT làm việc cũng nên minh bạch, rõ ràng, chứ không phải chỉ canh núp lùm bắn tốc người vi phạm. Nếu CSGT kết hợp với người lạ để thi hành nhiệm vụ là điều mà người dân thật sự bất an”, anh H. nói.
Người thanh niên trong lùm cây cho người vi phạm xem hình ảnh – Ảnh: Trích ra từ clip
Được phép hóa trang bắn tốc độ
Tiếp PV Thanh Niên ngày 29.12, trung tá Ngô Đức Khánh, Đội trưởng Đội CSGT huyện Cẩm Mỹ nói: “Tôi trả lời cũng được nhưng theo quy định của ngành để trả lời báo chí thì anh phải liên hệ với lãnh đạo huyện, nếu lãnh đạo cho phép thì tôi sẽ trả lời”.
Khi chúng tôi đề nghị được mở video (mà anh H. quay được) xem người bắn tốc độ mặc thường phục có phải là CSGT của đơn vị hay không nhưng ông Khánh từ chối.
“Về nguyên tắc, chứng cứ, video quay không phải chứng cứ. Video có thể quay, có thể ghép đủ thứ chuyện nên tôi không thể trả lời, không xác minh cho anh được. Tôi cũng không cần xem video, khi nào người ta đủ chứng cứ, chứng minh được lực lượng cảnh sát làm không đúng quy trình thì sẽ có cơ quan thanh tra người ta xử lý. Còn anh đưa video làm sao tôi dám nói đúng hay sai, tôi không biết video của anh làm bằng cách nào, quay ở đâu”, trung tá Khánh nói.
Sau khi được hỏi có phải là CSGT hay không thì người thanh niên này lên xe bỏ đi mất – Ảnh: Trích ra từ clip
Liên hệ làm việc với lãnh đạo Công an huyện Cẩm Mỹ thì được báo lãnh đạo đi họp vắng. Trao đổi qua điện thoại, bà Trần Thị Ngọc Thuận, Trưởng Công an Huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Tôi chưa nghe thông tin này. Tôi về sẽ cho kiểm tra lại và có thông tin trả lời sau”.
Đại tá Dương Thanh Hải
Trong khi đó, đại tá Dương Thanh Hải – Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai cho hay, theo điều 10 thông tư 65 quy định, cho phép lực lượng CSGT trong quá trình thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như: ghi hình bắn tốc độ, dùng camera để quay vượt phải, lấn đường trên các tuyến giao thông được phép hóa trang. Không nhất thiết phải mặc đồ CSGT để đứng bắn tốc độ, mà có thể mặc đồ dân sự (thường phục), có thể mang theo thẻ ngành chứ không cần bảng tên.
Cũng theo đại tá Hải trong văn bản hướng dẫn không có quy định phải đứng như thế nào, đứng ở đâu để bắn tốc độ mà chỗ nào, khu vực giao thông phức tạp, khả năng tai nạn giao thông có thể xảy ra thì CSGT được phép hóa trang sử dụng máy đo tốc độ ghi hình tốc độ để xử lý, nhằm giảm thiểu tại nạn giao thông.
Tuy nhiên, đại tá Hải cũng thừa nhận: “Việc núp lùm báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều. Làm như vậy có nhiều cái cũng phản cảm và người dân thì họ cảm thấy CSGT làm việc không rõ ràng”.
Vừa qua, tại kỳ họp HĐND TP.HCM nhiều đại biểu thay mặt cử tri cũng bức xúc việc CSGT hay “núp lùm” để xử phạt người vi phạm, gây nên hình ảnh phản cảm.
from WordPress http://ift.tt/1ICrl4X
via Video Giai Tri Hot Nhat
0 nhận xét:
Đăng nhận xét