Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Quy định trưng dụng tài sản của CSGT là trái luật

Thông tư 01 vừa được Bộ Công an ban hành quy định CSGT được quyền trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức, nhưng điều này có trái với các văn bản luật cao hơn?

Thông tư 01 của Bộ Công an còn nhiều bất cập. (Ảnh: Tuyến Phan/Phapluattp)

Bộ công an vừa ban hành Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Trong đó tại Khoản 6 Điều 5 của Thông tư quy định quyền hạn của Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông (tạm gọi là CSGT) được quyền “trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”. Quy định này đã gây ra nhiều phản ứng không đồng tình trong người dân, khi cho rằng Công an ngày càng có quá nhiều quyền lực.

Nội dung dưới đây sẽ phân tích rõ hơn quy định này.

1. Thế nào là “trưng dụng”?

Tại khoản 2 điều 2 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 định nghĩa “Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”.

Ví dụ trong thời kỳ chiến tranh, một đoạn đường, một cây cầu bị đánh sập thì Nhà nước có quyền trưng dụng sức kéo của trâu bò trong nhân dân, trưng dụng các loại công cụ khác (cuốc, xẻng…) của người dân ở gần đó để phục vụ mục đích khắc phục hậu quả trước mắt. Sử dụng xong thì Nhà nước trả lại cho chủ sở hữu và không phải thêm khoản phí nào khác. Tuy nhiên nếu gây thiệt hại cho tài sản thì Nhà nước phải bồi thường. Chẳng hạn làm chết Trâu, Bò hay hư hỏng tài sản của người dân.

Trong thời bình thì chưa có trường hợp nào Nhà nước trưng dụng tài sản của người dân cả.

2. Lịch sử quy định

Thực ra việc quy định CSGT được quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông không phải bây giờ mới có. Chẳng qua là bây giờ khi truyền thông phát triển mạnh (nhất là các mạng xã hội) thì người dân mới biết. Trước đó quy định này đã có trong khoản 6 điều 5 Thông tư 65/2012/TT-BCA ban hành ngày 30/12/2012 của Bộ công an (đây là Thông tư tiền thân của Thông tư 01/2016/TT-BCA). Nội dung của Thông tư 01/2016 chỉ giữ lại quy định này, chứ đây không toàn là quy định mới. Có lẽ sau khi quy định này được ban hành năm 2012 nó cũng không được triển khai trên thực tế nên không ai để ý.

3. Trái với văn bản pháp luật cao hơn

Theo quy định tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản thì tại Điều 5 của luật có liệt kê 05 trường hợp được trưng dụng tài sản, đó là: Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh, khẩn cấp về quốc phòng theo luật quốc phòng; khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa hoặc khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm theo luật về An ninh quốc gia, luật quốc phòng; khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng. Dễ dàng nhận thấy việc trưng dụng tài sản chỉ áp dụng trong các trường hợp rất đặc biệt, mang tầm quốc gia.

Chính vì những trường hợp mang tầm quốc gia như vậy nên Luật cũng quy định người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản là những người giữ các vị trí công tác đứng đầu ở cấp trung ương hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Cụ thể Điều 14 quy định những người có thẩm quyền trưng dụng tài sản: Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Ngoài ra những người này không được phép ủy quyền hay phân cấp cho cấp dưới.

Tuy nhiên năm 2015 khi Luật Công an nhân dân có hiệu lực thì tại Khoản 15 Điều 15 quy định Công an nhân dân có quyền “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.

Như vậy Luật công an nhân dân đã đưa ra quy định về việc trưng dụng, huy động tài sản rộng hơn so với Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Tuy nhiên luật CAND không phân biệt rõ khi nào thì nói rõ khi nào thì “huy động”, khi nào thì “trưng dụng” mà chỉ nói chung chung là “huy động, trưng dụng theo quy định pháp luật” và chủ thể có quyền đó thì cũng là Công an nhân dân (có thể là Bộ trưởng hoặc bất kỳ sỹ quan nào khác). Do vậy khi giải thích cần phải đảm bảo phù hợp với “quy định của pháp luật” – chính là Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Theo đó nếu trưng dụng thì chỉ trong trường hợp bảo vệ an ninh quốc gia; còn trật tự xã hội và ngăn chặn thiệt hại cho xã hội thì thuộc trường hợp phải huy động. Còn Công an nhân dân ở đây chính là ông Bộ trưởng Bộ công an theo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản chứ không phải bất kỳ sỹ quan, hạ sỹ quan nào.

Quay trở lại quy định của Thông tư 01/2016/TT-BCA cho phép cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ được “trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật” (hiểu nôm na là Cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng xe của người tham gia giao thông).

Như vậy Thông tư 01/20016/TT-BCA đã hướng dẫn Khoản 15 Điều 15 Luật công an nhân dân theo hướng là “trưng dụng” mà không phải là “huy động”. Về mặt điều kiện áp dụng thì có thể phù hợp; bởi thông tư không nói rõ khi nào thì trưng dụng mà chỉ nói là “theo quy định của pháp luật” thì có nghĩa là áp dụng điều kiện được quy định tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản.

Còn về mặt thẩm quyền thì sai hoàn toàn bởi Luật chỉ cho phép Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh được quyền trưng dụng tài sản. Mà mấy vị này không xuống đường tuần tra, kiểm soát giao thông (họ cũng không được ủy quyền hay phân cấp cho người khác); cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông là sỹ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông. Chính vì vậy trường hợp này chưa cần cơ quan chức năng hủy bỏ quy định này thì theo Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 (cũng như Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực vào ngày 01/07/2016 tới đây) nó cũng không có giá trị áp dụng vì trái với quy định của văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn là Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008. (Luật do Quốc hội ban hành nến có giá trị cao hơn Thông tư do Bộ trưởng ban hành).

4. Nguyên nhân:

Tôi cho rằng nguyên nhân của việc ban hành quy định cho phép cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông được trưng dụng tài sản xuất phát từ sự không cẩn thận trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật.

Nguyên tắc khi ban hành một văn bản thì tổ soạn thảo phải rà soát xem vấn đề đó đã được quy định ở đâu để tham khảo và đưa ra quy định đảm bảo tránh sự chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản pháp luật. Cẩn thận hơn có thể lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, cụ thể đối với việc trưng dụng tài sản thì cần tham khảo ý kiến của Bộ tài chính là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Tuy nhiên trong Thông tư tôi thấy tại phần căn cứ ban hành Thông tư chỉ căn cứ vào Luật Công an nhân dân, Luật giao thông đường bộ, Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 106/2014/NĐ-CP tức là chỉ căn cứ vào các văn bản trong lĩnh vực ngành của mình mà không hề thấy căn cứ Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Đây có lẽ là lí do dẫn đến việc đưa ra một quy định trái luật như vậy.

Bộ Công An cần kiểm tra lại nội dung quy định trên và hủy bỏ cho phù hợp. Bộ tư pháp với chức năng kiểm tra văn bản pháp luật cũng cần có ý kiến đối với quy định đã tồn tại tư năm 2012 đến nay.



from WordPress http://ift.tt/1nXxTSq
via Video Giai Tri Hot Nhat

loading...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét