Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Giám đốc Sở 30 tuổi: Bộ Nội vụ cần “vào cuộc” kiểm tra sự việc này!

Câu chuyện Quảng Nam bổ nhiệm cho một Giám đốc sở 30 tuổi là con của nguyên Bí thư tỉnh này khiến cho dư luận trở nên xôn xao. Nhiều ý kiến không khỏi băn khoăn về quy trình, tiêu chuẩn bổ nhiệm cho vị lãnh đạo trẻ này có đúng với quy định chung?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi xung quanh sự việc này với PGS Văn Tất Thu – Chủ nhiệm Khoa Quản lý – Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ông rời vị trí Thứ trưởng Bộ Nội vụ năm 2013 khi vừa đến tuổi về hưu.

PV: Thưa ông, gần đây, một số người  trẻ có cha mẹ làm lãnh đạo được đề bạt vào vị trí quan trọng nào đó của các cơ quan Nhà nước đã gặp phải sự bàn tán của dư luận. Ông nghĩ sao về điều đó?

Tôi nghĩ rằng chắc những trường hợp đó không bình thường hoặc có vấn đề người ta mới bàn tán chứ nếu bình thường thì có lẽ chẳng ai có ý kiến gì! Dư luận bây giờ cũng khá công bằng đấy! Không có “lửa” thì làm sao có “khói” được!?

Cá nhân tôi luôn ủng hộ chủ trương “trẻ hóa cán bộ”. Những người trẻ có tài, có đức thì ch mẹ họ có làm lãnh đạo hay không sẽ không ảnh hưởng gì đến con đường thăng tiến của họ. Vì những người có tài năng thực thụ, có tư cách đạo đức tốt, có lòng tự trọng và có tinh thần tự lực, họ sẽ không dựa vào việc cha mẹ họ làm lãnh đạo để tiến thân.  Họ sẽ chứng minh được với mọi người thông qua hiệu quả công việc và những cống hiến đóng góp cụ thể cho cơ quan, đơn vị và rộng hơn là cho đất nước.

Thực tế đã cho thấy nhiều người trẻ có tài, đức và có cha/mẹ làm lãnh đạo nhưng họ được đề bạt vào một số chức vụ quan trọng và đã làm việc rất tốt, rất xứng đáng và không có điều tiếng gì cả. Tôi cho rằng dư luận bàn tán nhiều chủ yếu về các trường hợp người trẻ không tài năng, đức độ, không đủ các tiêu chuẩn theo quy định chung mà vẫn được bổ nhiệm vào vị trí nào đó chỉ nhờ có cha/mẹ làm lãnh đạo.

PV: Trên thực tế, có một số lãnh đạo đã cố tình tự bổ nhiệm cho con mình, thậm chí trước khi về hưu đã tranh thủ bổ nhiệm cho chính con/em mình vào một số vị trí quan trọng ở các cấp thuộc quyền mình quản lý. Khi còn đương nhiệm, ông có thấy quy định nào về việc này không?

Thường thì, những người làm lãnh đạo có uy tín, gương mẫu sẽ rất tránh việc tự bổ nhiệm cho con/cháu mình. Còn trước khi về hưu, mặc dù Luật pháp hiện hành không quy định cấm lãnh đạo, quản lý trước lúc về hưu bổ nhiệm những người thân quen và con cháu vào các vị trí quan trọng trong đơn vị dưới quyền. Nhưng có những quy định “Luật bất thành văn” chính là các chuẩn mực đạo đức, lương tâm, sự trách nhiệm của người lãnh đạo còn chặt chẽ và khắt khe hơn. Việc bổ nhiệm con/cháu mình trong thời gian này chính là điều tối kỵ! Vì vậy, nếu những người cố tình bổ nhiệm con/cháu mình trước lúc về hưu thì không thể tránh khỏi việc dị nghị của dư luận và tự mình đánh mất uy tín và sự tôn trọng của cán bộ, công chức. Điều đó cũng chính là hạ thấp tâm thế của con/cháu mình đã bổ nhiệm.

Tôi trộm nghĩ, nếu con cháu mình thực sự có tài năng, tự đi bằng đôi chân, tự nghĩ bằng cái đầu của chúng với tinh thần tự lực cánh sinh, với ý chí vươn lên lại có thêm các cấp Ủy và những người lãnh đạo nơi chúng công tác sáng suốt, công tâm thì chắc chắn chúng sẽ được cất nhắc, bổ nhiệm. Mình không phải lo và không dại gì chỉ đạo làm quy trình bổ nhiệm chúng trước khi mình về hưu để tạo tai tiếng.

Tôi cho rằng con cháu các vị lãnh đạo nếu thực sự không có tài năng, đức độ, không đủ tiêu chuẩn theo quy định mà cố tình nâng đỡ bổ nhiệm giữ các vị trí trọng trách thì rất nguy hại cho đất nước. Ông cha ta từng nói rằng: “Những người bất tài thì thà cho tiền còn hơn giao trọng trách”. Nếu quyền năng được trao cho những người thực sự có tài, có đức thì sẽ phát huy được thế mạnh của họ, còn trao cho những kẻ không có tài, không có đức thì rất có thể, đó là hiểm họa khôn lường với đất nước!

PGS Văn Tất Thu

PV: Vậy trong tất cả các chính sách/quy định liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ, có điều khoản nào thể hiện con của các cán bộ sẽ được ưu tiên không thưa ông? Và các quy định bổ nhiệm có nói về các trường hợp đặc biệt  có thể được “rút ngắn” bớt các công đoạn?

Theo tôi được biết, cho đến nay, trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ nói chung và bổ nhiệm cán bộ nói chung thì không có quy định nào về việc ưu tiên con em cán bộ lãnh đạo khi bổ nhiệm. Tôi nghĩ rằng không nên và không cần thiết phải có những quy định này. Vì để đảm bảo được nguyên tắc công bằng trong công tác cán bộ, không nên có những quy định dành đặc ân, đặc quyền cho cán bộ lãnh đạo và con/ em cán bộ lãnh đạo quản lý.

Các quy định hiện nay cũng không có điều khoản nào cho thấy có thể “đốt cháy giai đoạn” trong bổ nhiệm. Vì Đảng dạy chúng ta: Công tác cán bộ phải có quy hoạch và phải làm theo một quy trình chặt chẽ.

PV: Quảng Nam vừa bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho một người con trai 30 tuổi của nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh này. Dư luận đang rất quan tâm đến quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm cho một lãnh đạo cấp Sở. Ông có thể cho biết về quy trình và các tiêu chuẩn trong bổ nhiệm này cụ thể ra sao?

Về quy trình công tác cán bộ nói chung, quy trình bổ nhiệm cán bộ nói riêng, Đảng ta quy định rất chặt chẽ: cán bộ là Giám đốc Sở thuộc diện Thường vụ tỉnh ủy quản lý phải có đủ tiêu chuẩn được đưa vào trong quy hoạch cán bộ của tỉnh, phải được đào tạo bồi dưỡng, được luân chuyển xuống cơ sở…

Trước khi làm quy trình bổ nhiệm về chủ trương phải xin ý kiến và phải được Thường vụ đồng ý, sau đó phải lấy phiếu tín nhiệm theo hướng dẫn và quy định chặt chẽ của Ban Tổ chức Trung ương, của Bộ Nội vụ..

Tuy nhiên, tôi không nghĩ cứ có quy định, quy trình bổ nhiệm đầy đủ là sẽ chọn được cán bộ tốt. Điều quan trọng là việc thực hiện các quy định, quy trình đó có chặt chẽ, khách quan và công tâm hay không? Nếu thực hiện một cách hình thức, chiếu lệ thì không bao giờ lựa chọn được cán bộ tốt.

Nhưng cái quan trọng trong công tác bổ nhiệm chính là phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Không phải ngẫu nhiên trong tất cả các văn kiện của Đảng đều nhấn mạnh về tiêu chuẩn cán bộ; trẻ hóa cán bộ, quy hoạch cán bộ, sử dụng cán bộ…đều phải căn cứ vào tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được quy định tại Quyết định số 82/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 của Bộ Nội Vụ có nhiều điểm cụ thể như: đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên, tốt nghiệp đại học phù hợp với lĩnh vực công tác, 5 năm công tác trở lên trong ngành trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao. Quy định này vẫn còn hiệu lực.

Tôi được biết, Bộ Nội vụ cũng đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định chức danh quản lý của công chức cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có tiêu chuẩn Giám đốc Sở còn cao hơn: “Phải là chuyên viên cao cấp và có 5 năm công tác trong ngành trở lên”.

Đối với tân giám đốc Sở 30 tuổi ở Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp đại học và 2 năm học thạc sỹ, còn 6 năm công tác. Có “tài thánh” cũng không đủ các tiêu chuẩn theo quy định trên. Nên dư luận quan tâm bàn tán về trường hợp này là đương nhiên!

PV:  Quảng Nam đã bổ nhiệm cho vị lãnh đạo nói trên sau 5 tháng bổ nhiệm vị này làm Phó Giám đốc chính Sở đó. Quảng Nam cũng đã thông tin họ thực hiện đúng các quy định của tỉnh. Theo ông thì các tỉnh có thể có quy định riêng trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo cấp Sở mà không phụ thuộc vào các quy định chung của Bộ Nội vụ về lĩnh vực này? Dư luận cho rằng việc bổ nhiệm nói trên sai so với quy định của Bộ Nội vụ. Với tư cách là nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, theo ông, nếu Quảng Nam sai trong việc này thì cần xử lý như thế nào?

Tôi được biết một nguyên tắc bất di bất dịch trong công tác cán bộ của Đảng là Đảng thống nhất  lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức. Mọi chủ trương quan điểm của Đảng về công tác cán bộ trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền đều phải cụ thể hóa thành pháp luật của nhà nước để thực hiện thống nhất trong cả nước.

Trong tiến trình đổi mới và cải cách hành chính cần có sự phân cấp trong quản lý cán bộ. Nhưng phân cấp gì thì phân cấp cũng phải theo quy định chung của Đảng và Nhà nước, nhất là các quy định về tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm cán bộ. Các tỉnh căn cứ vào đặc thù của tỉnh mình có thể có những quy định riêng, nhưng các quy đinh riêng đó không được trái với các quy định của Trung ương.

Theo tôi, các tỉnh không thể có quy định riêng trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo cấp Sở mà không phụ thuộc vào quy định chung của Bộ Nội vụ. Vì các quy định trong quyết định số 82/2004/QĐ- BNV của Bộ Nội vụ là các quy định có tính chất quy phạm pháp luật phải được áp dụng chung trong cả nước. Các tỉnh không thể có quy định trái với quy định chung này. Mọi quy định bổ nhiệm cán bộ phải được thực hiện dựa trên quy định chung của Đảng, không có quy định riêng cho từng tỉnh trong việc này.

Còn về việc xử lý vụ việc này nếu có sai phạm, tôi nghĩ là Bộ Nội vụ với chức năng và thẩm quyền được Trung ương, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phải có trách nhiệm kiểm tra vụ việc này. Nếu việc bổ nhiệm nói trên là sai tôi tin rằng Bộ Nội vụ sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc trình các cấp có thẩm quyền xử lý một cách nghiêm túc theo quy định của Đảng và theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới giữ được kỷ cương phép nước. Vì trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì kỷ cương phép nước phải được thực hiện từ trong công tác cán bộ của Đảng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! Công luận và chúng tôi trông chờ vào các kết luận công minh của Bộ Nội vụ!



from WordPress http://ift.tt/1KTsaRh
via Video Giai Tri Hot Nhat

loading...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét