Sau rằm, một số điểm bán bánh trung thu ở Hà Nội rao giá 15.000-20.000 đồng một chiếc nhưng vẫn không thu hút được khách mua.
Hết Tết Trung thu, các điểm bán bánh nướng, dẻo đều đã hạ quầy. Những thương hiệu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà… cũng thông báo đã hết bánh. Song trên đường Trương Định, quận Hoàng Mai, đến thời điểm này, các loại bánh vẫn được bày bán khá nhiều, thậm chí ở hàng rau, trà đá.
Theo tìm hiểu, các loại bánh bán vỉa hè như vậy có nhãn mác lạ, thậm chí chưa nghe tên bao giờ, như Q.B, H.G,… Bánh cũng không còn hộp mà được chủ hàng bóc bán lẻ, giá dao động 15.000-20.000 đồng một chiếc loại 250-300 gram, và chỉ có nhân thập cẩm.
Bánh trung thu sau rằm được bày bán nhiều tại các sạp hàng trên đường Trương Định với giá chỉ 15.000 đồng một chiếc. Ảnh: Ngọc Lan.
Theo bà Thanh, một chủ hàng trên dãy phố này, đây là mức giá ưu đãi cuối mùa. “2 ngày trước, chúng tôi bán 40.000 đồng một chiếc. Giờ cũng do người bán nhiều, người mua ít nên tôi lấy giá cạnh tranh. Với giá bán trên, tôi chỉ lãi vài đồng lẻ cho một chiếc”, bà cho hay.
Bà Thanh cũng tiết lộ, đây là bánh bán ế của các công ty, hạn sử dụng chỉ còn 1 tuần nên phải bán gấp với giá rẻ. Xem trên bao bì, những chiếc bánh bán tại đây phần lớn có hạn sử dụng đến ngày 2-3/10, nghĩa là chỉ còn 2-3 ngày nữa.
Tuy nhiên, ở cửa hàng kế bên, bánh mang thương hiệu Q.B lại còn hạn sử dụng 15-20 ngày. Người bán này cho biết, đây là bánh do gia đình bà tự sản xuất, bán chủ yếu trong ngày Trung thu và sau rằm, với giá 15.000 đồng một chiếc, không mặc cả.
Hạn sử dụng ghi trên bao bì bánh còn hơn 20 ngày. Ảnh: Ngọc Lan.
Dù giá bán rẻ rất nhiều so với thời điểm trước, song người mua không nhiều. Dãy phố được coi là “thiên đường bánh trung thu giá rẻ” hậu ngày rằm ở Hà Nội cũng không còn nhiều hàng bánh trung thu như mọi năm. Năm nay, chỉ có 5-7 hàng bày bán. Theo một người bán, khách mua chủ yếu là sinh viên và công nhân quanh khu vực.
Phạm Ngọc, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội vừa mua 5 chiếc bánh với giá chỉ 50.000 đồng, cho biết, cả phòng góp tiền lại mua về liên hoan. “Trung thu giá bánh 30.000-40.000 đồng một chiếc, sinh viên không có điều kiện để ăn, giờ giảm xuống một nửa là dịp để cả phòng trọ mua về thưởng thức”, Ngọc cho biết.
Cũng theo Ngọc, sinh viên mua bánh rẻ thường chọn loại có ghi địa chỉ, nơi sản xuất cụ thể và có hạn dùng dài. Để an toàn, Ngọc chọn những chiếc bánh còn hạn sử dụng khoảng 1 tuần.
Chị Ngọc Hân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị thường mua bánh các thương hiệu lớn để biếu, còn bánh ăn là mua ở hàng truyền thống. Để yên tâm hơn, chị chỉ mua vào đầu mùa, khi các cửa hàng bắt đầu sản xuất. “Thường hạn sử dụng trên sản phẩm còn gần 1 tuần là tôi không mua”, chị Hân cho hay.
Cũng theo khách hàng này, các năm trước xuất hiện tình trạng chủ hàng dập hạn sử dụng giả để bán kiếm lời. Vì thế, chị tuyệt đối không mua bánh ế, chỉ ăn theo mùa.
Trào lưu làm bánh handmade những năm gần đây nở rộ cũng khiến thị trường bánh trung thu bớt nóng. Đặc biệt, vào thời điểm hậu Trung thu, bánh giá rẻ nhưng người dân cũng không tỏ ra háo hức. Người bán cho biết, với sức tiêu thụ hiện tại, dù có giảm giá sâu hơn nữa cũng rất khó bán hết để thu hồi vốn, bởi hạn sử dụng sản phẩm còn rất ngắn.
from WordPress http://ift.tt/1LPdxDJ
via Video Giai Tri Hot Nhat
0 nhận xét:
Đăng nhận xét