Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

An Khê chứa kho báu vô giá khiến “người Nga cũng phải khóc”

“Các chuyên gia Nga dựng lều tại bãi đất, ngày đêm chong đèn soi cứu, họ tỉ mỉ ngoài sức tưởng tượng và phát khóc lên ôm chầm lấy nhau khi phát hiện ra thứ gì đó dưới mặt đất”.

Các vật dụng đồ đá cũ được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (thị xã An Khê, Gia Lai) – Ảnh: B.D.

“Kết quả khai quật vượt xa những gì chúng tôi kỳ vọng. Đợt phát hiện này có tầm vóc quốc tế, chưa từng ghi nhận trong khu vực” – PGS.TS Nguyễn Giang Hải, viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, nhận định lạc quan về kết quả nghiên cứu khảo cổ bước đầu tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai).

Thông tin được công bố sáng 1-4 với sự tham gia của đoàn khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam, các chuyên gia hàng đầu của Viện Khảo cổ học Novosibirsk (Nga) cùng UBND tỉnh Gia Lai.

Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải, những dấu tích vô tình được viện khảo cổ phát hiện trong một báo cáo chuyên môn của các tỉnh Tây nguyên. Cuối năm 2014, sau khi cử đoàn thăm thám, các chuyên gia phát hiện dưới tầng đất tại các ngôi làng ở thị xã An Khê “chứa đựng một kho báu vô giá”.

Đầu năm 2015, Viện Khảo cổ học gửi lời mời và nhanh chóng được Viện Khảo cổ học Novosibirsk đáp lời. Đoàn chuyên gia về đồ đá cũ gồm những người giỏi nhất trong giới khảo cổ Nga, dẫn đầu là TS Anatony Derevianko – viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nga, đã qua Việt Nam, mang theo những thiết bị chuyên dụng để bắt đầu hành trình tìm lại dấu tích của loài người.

Theo Viện Khảo cổ học, đến nay đoàn chuyên gia đã khoanh vùng được các vùng địa tầng có dấu tích của đồ đá cũ. Đoàn miệt mài trong nhiều tháng để đưa lên khỏi mặt đất 58 hiện vật đá và 21 mảnh thiên thạch.

Các hiện vật đá này bao gồm hình mũi nhọn, các công cụ chặt, nạo, hòn ghè, mảnh tước… vốn là các công cụ lao động của loài người thời nguyên thủy.

Quan trọng hơn, đoàn chuyên gia cũng đã tìm thấy ở xã Xuân An, thị xã An Khê một khu vực gò đồi cao có liên kết với nhau thành một thung lũng bồn địa, có thể là một khu vực sinh sống quần cư của loài người. Trên các điểm này có 12 điểm có dấu tích văn hóa của người nguyên thủy – gọi chung là di tích “Tộc Rưng”.

Các tầng văn hóa gần như vẫn còn nguyên vẹn, được bảo tồn trong trạng thái tốt. Càng mở rộng khai quật, đoàn còn phát hiện nhiều rìu tay, các vật dụng trong sản xuất sinh hoạt hằng ngày, các vật dụng này phân bố trong một tầng đất chứng tỏ sự xuất hiện của loài người nguyên thủy đã tồn tại ở An Khê trong một thời gian rất dài.

PGS.TS Nguyễn Giang Hải cho biết hiện nay trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á và lãnh thổ Việt Nam chưa từng phát hiện vệt khảo cổ nào có quy mô và giá trị như tại An Khê.

“Các nơi ghi nhận có kết quả đồ đá cũ thì chỉ phát hiện một cách ngẫu nhiên, các vật dụng ở dạng đơn lẻ chứ không tập trung thành vệt và hình thành thành tầng văn hóa như ở An Khê.

Với giới khảo cổ học, đây là một phát hiện mang tính lịch sử, có thể khẳng định rằng An Khê là một trong những cái nôi của loài người, các cư dân loài người cổ đã từng sinh sống ở vùng đất này, đã tập trung lại bằng những dấu tích bằng chứng khoa học rõ ràng”.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử – Viện Khảo cổ học Việt Nam – cho rằng niên đại tuổi của các chế phẩm trong tầng văn hóa phát hiện được là rất cổ, lên tới 70-80 vạn năm, lâu đời nhất từ trước đến nay được ghi nhận.

Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia Nga, thậm chí một số vật dụng còn có một số nét cổ xưa hơn sưu tập đá Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc), vốn được định niên đại khoảng 80 vạn năm trước.

Việc phát hiện kết quả khảo cổ này khẳng định An Khê có mặt các di tích cổ xưa nhất của nhân loại, đây là các chế phẩm của người vượn đứng thẳng (Homo erectus), minh chứng cho giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc.

Có mặt tại buổi họp báo, bà Huỳnh Nữ Thu Hà – phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – khẳng định: Trên cơ sở các đánh giá khoa học, chính xác tỉnh sẽ thành lập đề án để khoanh vùng, bảo tồn kết hợp với quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo – nơi dấy binh của anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ nhằm lưu giữ, tạo điểm nhấn của vùng Tây nguyên.

3baa485d An Khê chứa kho báu vô giá khiến “người Nga cũng phải khóc”
Một hố khảo cổ tại thị xã An Khê, Gia Lai – Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

“Giá như tôi có thể khóc…”

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – bí thư Thị ủy An Khê – kể: “Các chuyên gia Nga dựng lều tại bãi đất, ngày đêm chong đèn soi cứu, họ tỉ mỉ ngoài sức tưởng tượng và phát khóc lên ôm chầm lấy nhau khi phát hiện ra thứ gì đó dưới mặt đất. Thấy người ta say mê như thế chúng tôi xúc động và ủng hộ hết mình”.

Một thành viên của đoàn chuyên gia Nga cũng kể trong những ngày lặn lội dưới nắng nóng ở đất An Khê, một buổi sáng, TS Anatony Derevianko – viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nga – sau khi gạn bụi đất từ một mảnh rìu đá, soi kỹ lại và bất ngờ kêu mọi người tới, ông… hôn lấy rìu rồi xúc động: “Giá như tôi có thể khóc lúc này thì tôi đã khóc rồi”.



from WordPress http://ift.tt/1Tqlsel
via Video Giai Tri Hot Nhat

loading...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét